Thể loại: .,Đời Sống,Văn Hóa - Xã hội
Lượt nghe: 310
Player ID does not exist!
“Họ đã không kịp hỏi nhau liệu có ai là gốc ở Sài Gòn hay không, quê quán ở đâu. Họ không kịp dành thời gian để phân biệt đứa Sài Gòn, đứa không Sài Gòn, đứa nào chất, đứa nào gốc. Chất gốc là một thứ gì đó xa lạ và đầy khoe mẽ, tuyệt không phải do con người ở vùng đất này nghĩ ra.”
(Khải Đơn)
Sài Gòn – Thị thành hoang dại là quyển sách viết về Sài Gòn, về những người nhập cư đã rời xa quê hương để đi tìm một “miền đất hứa”. Họ thắp lửa trong tim, mang vào thành phố. Có người tìm thấy tổ ấm, tình yêu và sức mạnh của mình giữa Sài Gòn. Nhưng cũng có người đã gục ngã, tổn thương và đánh mất chính mình.
Tập tản văn Sài Gòn – Thị thành hoang dại của Khải Đơn là được chia thành 4 phần: Thị thành hoang dại, Sài Gòn – tại sao để yêu, Chợ giấc mơ, kỷ niệm đóng đinh vào phố.
Với phần Thị Thành hoang dại: Sài Gòn trong mắt Khải Đơn là một thế giới như “miền Viễn Tây”, với đủ những hỗn loạn, nỗi sợ, sự bất an, cả những mất mát khi một người nhập cư sống ở Sài Gòn. Đó là một Sài Gòn ngập ngụa kênh đen, nơi trở thành điển hình của những mỏi mệt trong cuộc sống hàng ngày, là gương mặt của những người trẻ ẩn nấp trong quán cafe – hay thực ra là một giờ khắc bình an hiếm hoi giữa cuộc sống mưu sinh hàng ngày vất vả.
Trong bài viết “Ăn sáng”, tác giả ngồi đợi một phụ nữ trong công viên giữa quận 1, móc từng thùng rác ra, tìm những thức ăn còn sót lại, cũng tươm tất gọn gàng, chuẩn bị một bữa sáng cho một ngày nữa giữa đô thị xa hoa.
Với Thị thành hoang dại, Sài Gòn được vẽ nguệch ngoạc lại bằng những bất an không giấu diếm. Thành phố triệu dân và quá tải phải chịu đựng những phần xấu xí nào nó, rồi ám ảnh lên con người, làm người đến mưu sinh vất vả hơn bao giờ hết. Họ sống với Sài Gòn nhưng không thể yêu nó, bởi trái tim để ở quê nhà, họ đợi chờ ngày tháng để rời bỏ nó, về lại với yêu thương quê mùa. Sài Gòn hỗn loạn đó, khủng khiếp đó, dữ dội đó, nhưng cô đơn biết bao.
Không bi quan đến thế vì những bất an của thành phố, Sài Gòn – tại sao để yêu và Kỷ niệm đóng đinh vào phố là những nốt trầm mềm mỏng, như thể tác giả tự nhắc nhở mình vì sao Sài Gòn vẫn đáng yêu, dù nó khói bụi, kẹt xe, nhức nhối, mỏi mệt…
Đó là bởi vì Sài Gòn quá đáng yêu. Sài Gòn hiện ra với những tiệm sách cũ đầy ắp bí mật, hàng hoa bán vỉa hè chỉ 2000đ/cành và cánh hoa đã cũ, dập nát, đó là bình trà đá miễn phí căng mình ra giữa mùa hè ngột ngạt. Người bán vé số, phát tờ rơi, dân làm ve chai ở Sài Gòn phơi mình dưới nắng mùa hè hẳn thấm thía cái khốn khổ của thiếu miếng nước uống, thiếu bóng râm mát nghỉ chân. Những người tốt lành đâu đó đã xuất hiện, ẩn danh và tự nhiên, họ “gieo” những bình trà đá miễn phí trên cung đường, treo cả cốc giấy, bỏ trà tươi… tiếp sức cho người lao động nghèo. Sự lương thiện đó làm giảm đi áp lực của hỗn loạn, làm người xa xứ bớt sợ, khiến họ được nâng đỡ bước chân để sinh tồn được giữa thành phố lạ. Khải Đơn đã viết về những mảnh đáng yêu đó, để thuyết phục người đọc tin rằng tại sao Sài Gòn đáng sống đến vậy.
Trong Sài Gòn – Thị thành hoang dại, Khải Đơn cũng đề cập đến một giác độ khác của đô thị: Đó là sự bất an. Sự bất an được nóu đến trong những bài viết “Mẹ có thể nhét con vào bụng không?”, “Sài Gòn – chỉ là một giọt lệ rơi”, “hẹn hò dưới hàng cây bê tông”.
Là một người nhập cư, cô viết về sự khốn khổ của những người quê lên phố chờ đợi người thân mình chết vì căn bệnh ung thư. Sài Gòn bất an trong tim của từng người, trong buổi chiều tan sở triều cường gặp tai nạn, về những hàng cây bị cắt trụi, về giấc ngủ đêm của người lái xe ôm không nhà cửa. Sự bất an lan ra khi người ta đồn thổi về cướp tiền ở máy ATM, về những kẻ chạy theo xe giật đồ, về tên giật điện thoại, và người ta xa lìa nhau ra, xa lạ vì quá sợ hãi.
Một phần những bài viết trong tập Thị thành hoang dại được viết lại từ những phỏng vấn Khải Đơn thực hiện với những người tình nguyện để cô ghi lại câu chuyện. Bằng cách đối thoại, Khải Đơn gặp những người bạn xa lạ ở quán cafe, họ kể cho cô nghe những tâm sự, tình cảm hay cả những kỉ niệm đắng với thành phố. Ghi lại, ẩn danh, hay viết lại hoàn toàn thành một chuyện hư cấu, Khải Đơn cố gắng chuyển tải những tâm sự mà cô bắt gặp từ người nhập cư đến Sài Gòn sinh sống và cuộc chiến mưu sinh họ phải đối mặt hàng ngày.
Tập tản văn Sài Gòn – thị thành hoang dại cố gắng chạm tới những phần sâu kín trong tâm thức một người nhập cư lui tới Sài Gòn. Họ đơn độc, gồng mình lên để cứng cỏi, tàn nhẫn, nhưng rồi cũng chính họ lại chìa tay ra, giúp đỡ một ai đó xa lạ hệt như mình, để cảm thấy bớt cô đơn, cảm thấy bớt bấp bênh trước những điều không lường tới được hàng ngày.
Theo một cách nào đó, Sài Gòn đẹp vì nó như một cái cù lao, phù sa bốn phương trôi theo con nước vào bờ, người ta chở theo ước vọng, giấc mơ, cả tài hoa để về thành phố mưu sinh, thăng hoa.
Nhờ có thế, Sài Gòn trở thành một nét văn hoá – cái văn hoá “hoang dại”, bất cần, thư thả và mạnh mẽ không gì kìm hãm được.